www.fgks.org   »   [go: up one dir, main page]

http://www.bbcvietnamese.com

18 Tháng 2 2005 - Cập nhật 13h37 GMT

Nguyễn Giang
Trưởng Ban Việt Ngữ BBC

Từ Việt Kiều đến Hoa Kiều

Nhân diễn đàn BBC đang có đề tài 'Việt Kiều và người trong nước có gì khác' bài viết này xin đóng góp một số điều tìm hiểu được về chuyện kiều dân ở một số nước khác.

Trong khắp vùng Đông Nam Á, lịch sử, chính trị, tôn giáo và phân bố sắc tộc là những nguyên nhân tạo ra các tên gọi phân biệt người trong nước và người ở nước ngoài.

Kafir và Khon Thai Tang Dan

Người Indonesia không có từ riêng chỉ kiều dân của họ sống ở nước ngoài. Có hai lý do cho việc này. Một là không có bao nhiêu dân gốc Indonesia sống ngoài vùng Đông Nam Á, trừ một nhóm nhỏ ở Hà Lan, nước trước chiếm Indonesia làm thuộc địa.

Hai là người Indonesia, vì là một tập hợp của nhiều sắc dân, nên chú trọng đến tính sắc tộc và phân biệt giữa các dân tộc như Java, Aceh, Patak v.v. hơn là giữa người Indonesia sống trong và ngoài nước. Bản sắc Indonesia cũng mới hình thành từ thời kỳ cộng hòa sau Thế Chiến Hai với ngôn ngữ Bahasa Indonesia đóng vai trò liên kết các nhóm dân khác nhau.

Nhưng với dân Java theo đạo Hồi thì sự phân biệt 'trong-ngoài' lại mạnh hơn cả theo lằn ranh tôn giáo. Giống như người Ả Rập theo Hồi Giáo, họ dùng từ 'kafir' để gọi tất cả những người không theo Hồi Giáo, tựa như người Do Thái dùng từ 'gentil' hay 'goyim' để gọi người không theo Do Thái Giáo.

Người Thái có cách gọi đơn giản để chỉ về người Thái sống ở nước ngoài. Có thể vì lịch sử của họ không bị chính trị làm cho phức tạp.

Theo một đồng nghiệp ở BBC Thai Service, thì họ có từ Khon Thai Tang Dan để chỉ mọi người Thái sống ở nước ngoài, bất kể mang quốc tịch gì.

Sợi dây liên kết quy nhất là gốc Thái theo dòng cha mẹ người Thái. Một người chỉ có 50 phần trăm dòng máu Thái và không nói tiếng Thái cũng có thể được coi là thuộc nhóm Khon Thai Tang Dan. Họ cũng có quyền đến lãnh sự Thái Lan ở nước ngoài để xin nhập tịch.

Khác với người Indonesia, tôn giáo không đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện người Thái ở nước ngoài. Khon Thai Tang Dan có thể theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay đạo Hồi. Nguồn gốc sắc tộc của họ cũng không quan trọng bởi mọi người Thái, trên nguyên tắc đều là thần dân của nhà vua Vương quốc Thái Lan.

Nhiều người Thái ở Luân Đôn dù có gốc Hoa nhưng vì nói tiếng Thái và lớn lên ở Thái Lan nên khi ra nước ngoài họ không có quan hệ gì với các cộng đồng Hoa mà chỉ giao lưu với người Thái.

Một số người Thái còn gọi nhóm dân tộc Thái ở Đông Bắc Việt Nam bằng từ Khon Thai Tang Dan, gợi nhớ đến nguồn gốc dân tộc Thái theo truyền thuyết Sip Song Pan Na (Mười hai ruộng nước) từ thời các bộ lạc Thái chưa chia thành người Thái Lan, Lào và Thái Việt Nam.

Hoa Kiều cũng có nhiều loại
Những thanh niên Trung Quốc ra nước ngoài du học vào lúc này không tự coi mình là Hoa Kiều

Như các ý kiến gửi về diễn đàn, hai chữ 'Việt Kiều' cũng là chuyện còn gây tranh cãi vì mang nhiều dấu ấn lịch sử. Điều này cho thấy cách gọi người Việt ở nước ngoài có nhiều điểm giống nhau ở Trung Quốc và Việt Nam.

Theo anh Mã Đại Vệ, một biên tập viên của ban Trung Quốc BBC, thì 'Hoa Kiều' là từ chung nhất chỉ người Trung Quốc sống ở nước ngoài, nhất là ở vùng Đông Nam Á.

Chính phủ Trung Quốc cũng có cách gọi 'ái quốc Hoa Kiều' (aiquo huaqiao) và 'hải ngoại Hoa Kiều' (haiwai huaqiao) để chia họ theo hai loại. Loại 'ái quốc' là nhóm ủng hộ chính phủ Bắc Kinh, thường tổ chức các lễ lạt cùng sứ quán Trung Quốc ở nơi họ sống. Nhóm 'hải ngoại' thì thường là không theo Bắc Kinh mà có thể theo Đài Bắc hay không có thái độ chính trị rõ rệt.

Anh Mã Đại Vệ, bản thân là người gốc Hong Kong, còn cho biết chính phủ Trung Quốc không coi người Hong Kong và Macao là Hoa Kiều, vì trên nguyên tắc, họ là công dân của CHND Trung Hoa nhưng 'tạm thời' sống dưới chế độ chính trị xã hội khác biệt.

Tuy vậy, về mặt giấy tờ thì họ có thể về Trung Hoa lục địa bằng hộ chiếu Hong Kong, Macao hoặc một loại thông hành gọi theo tiếng Anh là 'home revisit permit'. Với giấy này, họ không mất tiền visa.

Hoa Kiều còn có nghĩa lịch sử để chỉ những nhóm người Hoa ở Đông Nam Á không được nước sở tại cho vào quốc tịch, kể từ thời thuộc địa sang một số chế độ sau thuộc địa. Họ được hưởng quy chế riêng như thời Pháp ở Đông Dương, thời Suharto ở Indonesia...

Cũng vì thế, theo anh Mã Đại Vệ, những người Trung Quốc ra sống ở nước ngoài sau này thường không gọi mình là Hoa Kiều, mà dùng từ Hoa Nhân-người Hoa-có nghĩa chung hơn để chỉ bản thân, bất kể mang hộ chiếu gì. Nhưng khi trở về Trung Quốc, người trong nước vẫn gọi họ là Hoa Kiều.

Hoa Kiều, có lẽ giống như Việt Kiều, được dân trong nước coi là có vị trí 'sang hơn' và theo anh Mã Đại Vệ, người Trung Hoa lục địa khi gặp gỡ thích khoe là mình có bạn bè 'Hoa Kiều'.

Nhưng trước đây, hai chữ Hoa Kiều cũng kèm theo sự nghi kỵ từ phía công an và chính quyền. Thậm chí có thời ai từ nước ngoài về Trung Quốc cũng bị ghi làm 'gián điệp cho đế quốc', trừ những người chính thức là 'ái quốc Hoa Kiều'. Nhóm này có các tổ chức do chính quyền lập ra để chăm lo cho họ.

Người Hoa từ Singapore và Đài Loan ngày càng nhấn mạnh bản sắc của họ. Nhiều người trẻ khi về Trung Quốc không muốn nhận mình là 'Hoa Kiều', 'Hoa Nhân' mà là người Đài Kiều hay Singapore.

Còn những người thuộc thế hệ hai ở các nước Âu Mỹ lại có từ để gọi bản thân như ABC (American born Chinese) hoặc BBC (British born Chinese). Họ cũng ưa dùng tiếng Anh khi về thăm Trung Quốc vì nhiều khi không thạo tiếng Hoa hoặc sinh ra trong gia đình cha mẹ nói tiếng Hoa thiểu số (Triều, Quảng, Hẹ), khác với tiếng Bắc Kinh nên dễ gặp khó khăn trong giao tiếp ở Trung Quốc.

Tóm lại, chuyện tranh luận Việt Kiều và Hoa Kiều hiện đang mang tính thời sự nhưng cùng với thời gian, mức độ giao lưu trong ngoài tăng lên và sự gần lại về mức sống cùng nhận thức chính trị, có thể những từ ngữ này sẽ thay đổi và mang nghĩa khác.

Mong thính giả bốn phương của BBC đóng góp ý kiến về bài này và cho biết tại nơi bạn sống người dân sở tại có từ nào gọi người gốc nước họ sang sống ở các nước khác hay không và nếu có thì từ đó có chứa đựng ý nghĩa gì không?

.............................................................................................

Minh Nam, Việt Nam
Nghe quý vị trao đổi, tôi nhận thức thêm nhiều điều. Điều chúng ta nên thống nhất là quy cho từ "việt kiều" một nội dung cụ thể, đồng thuận. Đó là người VN (nếu họ vẫn nhận là người VN, dù còn quốc tịch VN hay không) đang sinh sống ở nước ngoài. Có vậy thôi.

Từ ngữ này không nói lên thái độ chính trị, địa vị, tài sản... Từ "hoa kiều", "kiều dân"... đã có từ thới nước ta thuộc Pháp (tôi xem các tài liệu, báo chí thời đó để lại), vậy từ "việt kiều" cũng nên hiểu như vậy. Việt kiều không nhất thiết là sang trọng (như một số việt kiều ở Campuchia).

Khanh, Anh quốc
Cha tôi la người Hoa từ nhỏ đã sang VN, mẹ tôi cũng là Người Hoa nhưng sinh tại VN. Tôi lớn lên, ăn học và lấy vợ người Việt. Tôi coi nước Trung Quốc như là cha mẹ ruột còn Việt Nam như là cha mẹ nuôi ( theo kiểu của người Tây phương, nhiều lúc nuôi còn thân hơn ruột).

Tôi có hai điều thắc mắc : Thứ nhất người Việt có yêu nước như người Hoa không? Thứ hai là Cộng sản Trung Quốc tin tưởng Hoa Kiều hơn là Cộng sản Việt Nam tin tưởng việt Kiều. Đa số người Hoa về xây dựng hơn là chống cộng sản Trung Quốc còn Việt nam mình thì ngược lại.

Lê Thanh, Boston
Có một người Hoa sống ở VN đã từng nói với tôi là: "Một người Việt thì hơn một người Hoa, nhưng năm người Hoa thì hơn mười người Việt". Câu nói này quả thật chí lý.

Ẩn danh
Tôi là người Việt có 1/4 gốc Hoa và có ba chị em sống ở Mỹ, Úc và Đức. Tôi đồng ý với bạn Minh Hungary về rất nhiều điểm. Tôi muốn nhấn mạnh một nhược điểm trầm trọng nhất của Việt kiều là sự phân hóa. Sự phân hóa lớn nhất thuộc về ý thức hệ. Thù ghét nhau ghê gớm. Chắc phải mất thêm 30 năm nữa sự phân hóa này mới tan dần.

Ngay cả trong cùng ý thức hệ, sự phân hóa vẫn tiếp tục theo thâm niên ở nước ngoài, học hàm, học vị, tài sản, nghề nghiệp. Việt kiều với nhau mà vẫn e dè, cố thủ, không cởi mở, thiếu đoàn kết, thậm chí còn hại nhau. Thời đại đã đày đọa người Việt tha phương khắp nơi trên thế giới. Những nỗi buồn xa xứ mâu thuẫn với những hạnh phúc của xã hội văn minh. Người Việt "xấu xí" cần học hỏi những đức tính của dân tộc khác.

T.B.Minh, Hungary
Ba tôi người gốc Hoa , mẹ là người Việt , bản thân hiện đang sống ở nước ngoài ; thành ra tôi cũng có cơ hội quan sát tìm hiểu chút chút về cộng đồng Việt kiều và Hoa kiều . Xin nói qua một vài sự khác biệt giữa Việt kiều và Hoa kiều. - Về số lượng : Ở nhiều quốc gia , thông thường người Hoa đông gấp 10-15 lần số người Việt . Có chừng 3 triệu người Việt sống xa tổ quốc , trong khi người Hoa xa xứ có khoảng 23-26 triệu. - Về quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng : Người Việt đề cao tinh thần tương thân tương ái . Nói như vậy nhưng sự giúp đỡ về mặt vật chất giữa Việt kiều với nhau rất hạn chế ; thậm chí trong kinh doanh buôn bán , người Việt thường tìm cách triệt hạ lẫn nhau. Trong khi đó , người Hoa đề cao tinh thần tương trợ , nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau về mặt vật chất; anh hiện nay chưa có vốn , tôi sẽ giúp anh , sau này đừng quên trả cho tôi. Khác với kiểu làm ăn 'du kích' của Việt kiều , Hoa kiều thực hiện đúng nghĩa : " buôn có bạn , bán có phường ". Nhờ vậy , cộng đồng người Hoa thường thao túng giá cả thị trường, việc kinh doanh mang tính cộng đồng cao, mỗi cá nhân vì thế mà rất ít gặp những bất trắc hoặc thua lỗ.

Quan hệ với cộng đồng bản địa : Người Việt dễ hòa nhập với người bản địa nhờ có tính hòa đồng cao. Người Việt rất chịu khó học tập và tỏ ra tôn trọng các tập quán , thói quen sinh hoạt ở quốc gia mà mình đang sinh sống. Ngược lại , người Hoa thường tập trung lại với nhau , sống biệt lập , họ cũng ít khi quan tâm đến các đặc điểm văn hoá của người bản xứ. Với suy nghĩ rằng , nền văn hoá Trung Hoa rất đồ sộ, các cộng đồng Hoa kiều thường làm cho người dân ở đất nước mà họ đang sinh sống tỏ ra khó chịu.

Tạo lập thế lực : Đi đến đâu Hoa kiều cũng nhanh chóng tạo lập được cho mình một thế lực ngầm nhất định về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Mạng lưới kinh doanh của người Hoa trải rất rộng , họ nắm trong tay nhiều tập đoàn bán buôn lớn, họ rất giỏi trong bán lẻ. Người Hoa cũng dần dần hạn chế sự xuất hiện trực tiếp của mình trong các cửa hàng cửa hiệu , thay vào đó họ thuê mướn ngay chính người bản địa đứng bán hàng. Thế lực người Hoa rất mạnh ,ví dụ ở Indonesia , tuy chỉ chiếm chừng 5% dân số nhưng gần 95% sức mạnh kinh tế nước này lại nằm trong tay Hoa kiều. Bởi vậy mà Hoa kiều có khả năng can thiệp vào các chính sách về kinh tế của các chính phủ bản địa. Ở điểm này , người Hoa kiều rất giống Do Thái kiều. Trong khi đó , các cộng đồng Việt kiều hầu như không có ảnh hưởng đặc biệt , trừ một số lý do về chính trị ; thường là vào thời điểm các đảng phái của chính quyền sở tại tìm kiếm phiếu bầu trong cộng đồng Việt kiều.

Về văn hoá : Người Việt có ý thức giữ gìn văn hoá dân tộc . Người Hoa không dừng lại ở đó , họ còn muốn bành trướng nền văn hoá của mình , tấn công thẳng vào nền văn hoá của các cộng đồng bản địa. Trẻ em Việt kiều đại đa số không nói được tiếng mẹ đẻ, nhưng trẻ em Hoa kiều lại thạo cả viết và nói tiếng nước họ. Ở đâu , người Hoa cũng đều có hệ thống trường lớp trường dạy nói và viết tiếng Trung phổ thông dành cho con em mình.

Phân hoá vùng miền, trình độ văn hoá: Có Tàu Bắc Kinh , Hồng Kông , Thẩm Quyến ,... nhưng cũng có Tàu Vân Nam, Quảng Tây , Phúc Kiến ,... Thành thử Hoa kiều trải đều từ các lĩnh vực công nghệ cao đến ... buôn thúng bán mẹt. Sự phân hoá vùng miền , trình độ văn hoá trong cộng đồng Việt kiều rất mờ nhạt. Nhiều người có trình độ đại học , tiến sĩ những lại làm các nghề tạm gọi là buôn thúng bán mẹt ; số người tiếp cận với công nghệ kỹ thuật cao vấn còn rất ít . - Phân hoá chính trị : Các cộng đồng Việt kiều đều có sự phân hoá mạnh về mặt chính trị ,nhất là về cái nhìn với cuộc chiến Việt - Mỹ 1975 , cái nhìn đối với thể chế chính trị hiện nay tại Việt Nam , Việt kiều thường nói nhiều về " tự do dân chủ ". Trong khi đó, với vị trí lớn mạnh của Trung Quốc trên phương diện chính trị lẫn quân sự, Hoa kiều tỏ ra ủng hộ chính quyền trung ương của họ , họ ít nói về " tự do dân chủ ", đề tài của người Hoa là " làm giàu " và ..." làm giàu ".

Quang Trung, TP. HCM
Ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta rất phức tạp (có người cho là phong phú), điều đó đã thể hiện tính cách của dân tộc Việt. Chỉ có cách dùng từ để gọi nhau mà cũng phải tranh luận để gọi như thế nào cho tốt thì quả là phức tạp thật.

Trong câu chuyện dùng từ Việt kiều tôi xin có mấy ý kiến như sau: - Gọi các bạn là “dân Việt”, không ổn, vì các bạn có ở Việt Nam đâu, người ta muốn dùng từ để phân biệt người Việt ở Việt Nam và người Việt ở các nước khác, do đó không dùng từ này được.

Gọi là “người gốc Việt”, cũng không ổn vì người Việt ở trong nước không phải là gốc Việt sao? - Gọi là “người Mỹ gốc Việt”, “người Pháp gốc Việt” v.v…, cũng không ổn vì nó cụ thể quá, không thể gọi cách nào chung nhất được.

Gọi là “người Việt xa xứ”, “người Việt tha hương”, “người Việt ở hải ngoại” v.v… cũng không ổn, vì hiện nay thế hệ người Việt sanh ra ở các nước rất nhiều, nơi sanh ra cũng là quê hương của họ; nhiều người Việt sau 75 cũng đã chọn quê hương mới cho mình không phải là đất Việt, như vậy là các bạn có xa quê hương đâu! Chẳng lẽ gọi là “xa quê hương thứ nhất” hoặc “xa quê hương thứ hai” thì nghe kỳ quá.

“Kiều” là một từ để chỉ những người dân trong 1 nước phải đi sinh sống và làm việc ở nước khác, do đó ghép thêm chữ “Việt” thì bản thân nó không sai. Cách ghép từ này thường thấy ở những từ như “Việt gian”, “Việt Minh”, “Việt cộng v.v… nhưng nghe ra có vẻ thế nào ấy, dùng ở những trường hợp không đúng sẽ thành ra phân biệt đối xử như: “mấy ông Việt cộng”, “mấy cha Việt kiều”, “Việt kiều hồi hộp”. Những kiểu nói như thế lan truyền trong dân chúng rất nhanh và từ đó người Việt ở các nước rất ghét cái cụm từ “Việt kiều” để ám chỉ mình.

Có một từ rất hay là “đồng bào”. “Đồng bào Việt Nam” để nói về những người cùng một bào thai theo truyền thuyết Âu cơ, cùng một mẹ Việt Nam sinh ra. Những nhà lãnh đạo khi diễn thuyết cũng hay dùng từ này như “Kính thưa đồng bào”. Như vậy theo tôi nên gọi các bạn là “kiều bào” (từ này có trong tự điển tiếng Việt mà). Không ai có thể dùng lời lẽ nào để miệt thị chữ “kiều bào” được, chẳng lẽ lại đi nói “cái đồ kiều bào” hoặc “mấy cha kiều bào” được sao?

Kết luận: Qua phân tích ở trên tôi thấy rằng nên dùng từ “Việt Kiều” khi cần để phân biệt với những “Hoa kiều”, “Pháp kiều”, “Hà Lan kiều”, “Gia Nã Đại kiều” v.v… mà điều này ít xảy ra trong thực tế lắm. Khi ta dùng ngôn ngữ Việt, nói về người Việt, nói với người Việt thì chỉ cần dùng từ “kiều bào” là đủ, khỏi ghép thêm chữ “Việt” làm gì.

Đông Quân, Seattle
Tôi đã gặp những di dân từ Hoa lục, Đài Loan trên đất Mỹ. Họ gặp nhau, vẫn vui vẻ, một ngôn ngữ riêng khi nói chuyện. Một đặc thù của dân tộc Trung Hoa là rất đoàn kết, yêu thương nhau. Ví dụ, trong một khu buôn bán, nếu một anh mới mở cửa hiệu buôn tạp hóa, vốn liếng chưa có, thì người buôn lâu năm cùng khu có thể tạm thời nhường khách hàng, hay giới thiệu giúp cho người mới mở.

Trung Quốc, Đài Loan tuy đỏ xanh khác nhau, nhưng còn có tinh thân hữu vậy đó. Và tôi liên tưởng dân VN ta. Chúng ta cùng dòng máu Việt, cùng truyền thuyết Lạc Long Quân. Trên thế giới này, chỉ có VN mới có từ đồng bào, ở đâu cũng là dân Việt thôi.

Ngọc An, Canada
Nếu bảo đem từ ngữ đưa vào chính trị thì quả là có. Cũng như thời kì 1954, những người miền Nam ra Bắc đi theo Đảng lúc đó, được gọi là miền Nam tập kết. Cũng như chế độ Việt Nam Cộng hòa gọi dân Bắc di cư là Bắc 54. Thời kì gần đây nhất khi người bỏ nước ra đi, báo chí nước ngoài là gọi là thuyền nhân.

Còn chữ Việt kiều thì được lấy chữ Hán Việt, có nghĩa là người Việt sống ở nước ngoài không có quốc tịch Việt, và không được thường trú trong nước. Vậy thôi. Còn nếu họ lấy để sử dụng cho một quan điểm chính trị thì lại khác.