www.fgks.org   »   [go: up one dir, main page]

Trang chủ Tin tức Phỏng vấn độc quyền DTAP: “Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một thị trường có...

DTAP: “Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một thị trường có bản sắc, có tính local”

minhlagogiii |

Design | Phii

Đến thời điểm hiện tại, khoảnh khắc nào trong quá trình làm nhạc khiến các bạn cảm thấy hạnh phúc nhất?

 

Vẫn là thời điểm chị Hoàng Thùy Linh gọi điện cho chúng tôi:

Cuộc gọi 1: “Em ơi, chị vừa nghe bài “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” rồi. Chị vừa ở sân bay về, ngồi trên trên xe thấy mail chị nghe luôn, giữ lại bài đấy cho chị nha”.

 

Cuộc gọi 2: “Chị Hoàng Thùy Linh mới gọi nè!” – Đó là những khoảnh khắc mà chúng tôi nhớ mãi.

 

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau 2 cuộc gọi này? Dĩ nhiên rồi, album “Hoàng” được ra mắt và nối tiếp là “LINK” vài năm sau đó. Kéo theo là một cuộc trò chuyện ngắn với “3 nhà kinh doanh có nghệ sĩ tính cao, đủ chất liệu và hơi kinh tế chút xíu”. (DTAP bảo thế).

 

phỏng vấn DTAP

 

Trước khi gặt hái được những thành công như ở thời điểm hiện tại, DTAP cùng với Hoàng Thùy Linh đã nhen nhóm ý tưởng ra đời cho “LINK” như thế nào? Cụ thể, đâu là sự khác nhau giữa hai album “Hoàng” và “LINK”?

 

Trước hết, sự khác nhau nằm ở mặt thời gian. Chúng tôi thực hiện “Hoàng” trong 6 tháng, từ lúc gặp chị Hoàng Thùy Linh lần đầu tiên cho đến lúc hoàn chỉnh album. Còn với “LINK”, chúng tôi bắt đầu từ 6 tháng đó đến khoảng tháng Sáu năm nay mới xong. Hai khoảng thời gian này đối lập nhau hoàn toàn. Như mọi người đã thấy ở “Hoàng” có sự tươi mới, một cô gái bước vào tình yêu và mọi thứ hơi trẻ con. DTAP sẽ đi từ concept văn hóa dân gian với những thứ có sẵn như Ngữ Văn, sách giáo khoa hay ca dao tục ngữ như “Lắm Mối Tối Nằm Không”, “Kẻ Cắp Gặp Bà Già”… Nhưng với “LINK” thì chúng tôi đi ngược lại. Đó là từ đời sống bên ngoài đi vào văn hóa dân gian, nó được thể hiện qua ngôn ngữ của Gen Z, qua tiếng nói hằng ngày của mình ví dụ như cách chơi chữ, nói lái hay ẩn dụ so sánh và mang tính chất Việt Nam đương đại hơn. Dĩ nhiên, sự đào sâu vào tâm hồn của một con người là yếu tố không thể thiếu.

 

Yếu tố văn hóa dân gian là một phần của DTAP. Chúng tôi sử dụng nó làm chất liệu để khắc họa lên những phần chi tiết được đẹp đẽ, gần gũi hơn. Cảm giác như hồi trước phần chủ đề và concept làm cho chúng tôi già hơn một chút còn bây giờ khi có nhiều trải nghiệm hơn thì chúng tôi lại cảm thấy mình trẻ ra, tươi mới hơn. Phần lời sẽ trẻ lại còn phần nhạc sẽ nặng lên. DTAP cũng trưởng thành, tinh tế và kỹ càng hơn về phần tiết tấu hay sản xuất nhạc. Nhưng dù nói gì đi nữa thì “Hoàng” vẫn là một bước đệm vững chắc cho chúng tôi. Thật ra câu hỏi mà chúng tôi nhận được nhiều nhất khi phát hành “LINK” là “DTAP có áp lực về chuyện phải làm một cái gì đó khác “Hoàng” hay không?” Nói thật là chúng tôi không có áp lực. Nhưng để có “LINK” thì trước đó phải có “Hoàng”, bởi đó là tiền đề rất quan trọng trong sự nghiệp của chị Hoàng Thùy Linh lẫn DTAP.

 

Cả hai album đều có yếu tố “văn hóa dân gian”, nhưng làm sao để phân biệt được sự khác nhau của màu “văn hóa dân gian” giữa hai album? Vì “LINK” nghe có vẻ hiện đại hơn mà đúng không?

 

Yếu tố lớn nhất trước đây chúng tôi sử dụng là văn hóa Việt Nam, nhạc cụ dân tộc Việt Nam để đưa vào các ca khúc, lấy nó làm chất liệu. Còn hiện tại chúng tôi xem nó giống như là một công cụ, dùng nó để truyền tải cảm xúc ngược lại cho người nghe. Ví dụ như có thể dùng ngũ cung trong ca khúc “không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này.” nhưng nó chỉ có một đoạn hình ảnh của Cầu Ô Thước thôi. “Bo Xì Bo” mang màu ngũ cung nhưng lại theo kiểu Hip Hop phương Tây, phần lời cũng không đậm sắc dân gian nữa. Trong khi đó, “Trưởng Nữ Chạy Trốn” lại là sự giao thoa giữa văn hóa Đông – Tây. Bản nhạc vang lên ở đoạn đầu ca khúc là bài “Here Comes the Bride” thường được dùng khi đón cô dâu tại các đám cưới phương Tây, nhưng kết hợp với tiếng mõ trâu thì lại ẩn chứa ý đồ mà chúng tôi muốn thể hiện. Một là dắt mũi, hai là con trâu bị buộc lại. Khi về quê, ở những cánh đồng chúng ta thường thấy những con trâu được đeo một chiếc mõ như một cái lục lạc, để khi đi ăn ở đâu thì người ta nghe và biết chúng ở đâu. Ở đây là hình ảnh con trâu muốn chạy trốn, nó chạy đến đâu vẫn tạo ra cái âm thanh và việc đó cũng phục vụ ngược lại cho phần nội dung “Trưởng Nữ Chạy Trốn”. Tựu chung, album “Hoàng” từ văn hóa dân gian đi ra còn album “LINK” thấm ngược lại vào trong chúng tôi. Nó không còn là lớp áo bên ngoài nữa mà đi sâu vào cảm giác, vào nội tâm của DTAP.

 

Bây giờ nói lại quá trình nghe thấy “nhẹ tênh” nhưng thực sự “LINK” cũng lấy mất của chúng tôi tới ba năm. Trong hai năm đầu, công việc lớn nhất mà DTAP phải giải quyết là đi tìm ngược về bản thân mình, tìm điểm cân bằng trong cuộc sống vì chúng tôi cũng rơi vào trạng thái bất ổn về mặt tâm lý. Đến giai đoạn mà mọi người trong nhóm tìm được điểm vừa phải, giúp mình cân bằng lại thì toàn bộ ca khúc được viết ra trong vòng một năm gần đây thôi. Đó cũng là thời điểm chúng tôi thoải mái nhất. Chuyện tìm tòi và đào sâu vào bản thân mình là mấu chốt rất quan trọng vì bản thân bình thản, ổn nhất thì mới sáng tác được.

 

phỏng vấn DTAP

 

Vì sao DTAP lại “rơi vào trạng thái bất ổn về mặt tâm lý” ở thời điểm đó?

 

Thời điểm album “Hoàng” thành công, chúng tôi bất ổn vì chưa sẵn sàng đón nhận nó. Trước đó DTAP là con số 0 mà. Những giải thưởng lớn như Cống Hiến, Mai Vàng, Làn Sóng Xanh… rồi album được mọi người yêu thích, đặt hàng làm nhạc liên tục. Mọi thứ đến trong nửa năm và chúng tôi không biết mình phải làm gì sau “Hoàng”. Giống như mọi sự ập đến khi mình chưa kịp chuẩn bị và chưa có phương án cho nó. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đạt được thành công ngay ở những sản phẩm ra mắt. Vốn dĩ DTAP ở thời điểm đó chỉ là những cậu bé và không biết sẽ có chuyện gì tiếp theo diễn ra bên kia cây cầu (cười).

 

Chị Hoàng Thùy Linh cũng tâm sự và chia sẻ nhiều thứ, chị gọi cho từng người rồi kéo mọi người đến nhà chị. Thời điểm đó chúng tôi đang trong tình thế là vẫn phải tiếp tục sáng tạo và các ca khúc viết ra không được tốt, không đáp ứng được kì vọng của cả chị Linh và nhóm. Chị Linh giúp chúng tôi làm nhiều liệu pháp tâm lý và khuyên là “Bây giờ tụi em cứ thả lỏng đi, cứ bình thản, cứ đào sâu vào tâm hồn của mình”. Mình vững là khi tâm hồn của mình vững chứ không phải cứ bảo là “ok tôi ổn rồi” thì sẽ ổn, nó không có ý nghĩa gì hết.

 

Trầm cảm ở ngoài đời hay trầm cảm trong âm nhạc cũng giống nhau. Ở ngoài đời bạn nhìn vào gương và nói “tôi không muốn làm người này nữa”. Còn trong âm nhạc bạn cũng sẽ tự nói với chính mình “tôi không muốn làm bài này nữa, tại sao phải làm cái người này, cái điều này…”. Hoài nghi về bản thân, cạn kiệt sức lực và không muốn sản xuất ra bất kì bài nhạc nào vì cảm giác mình làm không hay, không đủ tốt, dưới kì vọng của mọi người và chính bản thân mình. Đến hiện tại khi đã vững vàng, chúng tôi đón nhận mọi chuyện trong tâm thế khá bình thản.

 

Nghe có vẻ khá nghiêm trọng với những người làm nhạc đấy. DTAP còn giải quyết những sự bất ổn đó bằng cách nào khác ngoài sự trợ giúp của Hoàng Thùy Linh không?

 

Phương pháp của chúng tôi ở thời điểm đó là học. Chúng tôi trau dồi thêm kiến thức, ngày nào cũng học và đến thời điểm này cũng vậy. Học và đào sâu những thứ mới, cách âm nhạc vận hành, kỹ thuật âm nhạc hay văn hóa mà thế hệ trước, thế hệ hiện tại và thế hệ sau sẽ dùng. Có nhiều thứ hay ho để học lắm.

 

Chúng tôi còn học cách khi vấn đề ập đến thì mình biết cách giải quyết như thế nào. Mỗi thành viên sẽ có liệu pháp khác nhau. Kata Trần sẽ sống trong sự đau đớn đó đến tận cùng, Tùng Cedrus sẽ lao vào học để bản thân tốt hơn, Thịnh Kainz sẽ tìm điểm cân bằng trong cảm xúc. Hoặc là ngồi nói chuyện với chị Linh, nghe chị chia sẻ về những chuyện liên quan đến bản thân và cuộc đời chị. Có thể gọi đây là những liệu pháp tâm lý trong âm nhạc để chúng tôi vượt qua cũng được. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi phải đứng ở một điểm mà người ta gọi là cân bằng. Trong âm nhạc lẫn ngoài đời điểm cân bằng chính là điểm khó tìm nhất. Nghiêng về một bên thì dễ quá nhưng để cân bằng thì khó vô cùng và chúng tôi mất rất nhiều thời gian để tìm ra nó. Khi cảm giác mọi thứ đã ổn thì lý tưởng, lý trí, sáng tạo của chúng tôi được phát huy tối đa.

 

phỏng vấn DTAP

 

Chúng ta đang trên đà câu chuyện nói về sự học thì cho tôi hỏi trước khi trở thành DTAP của hiện tại, các bạn có học gì về nhạc chưa?

 

 Những điều cơ bản về âm nhạc thì hầu như các thành viên đã được học từ bé rồi (cười).

 

Thịnh Kainz: Từ lúc 3 tuổi là tôi đã thích nhạc. Nghe bố mẹ kể lại lúc nhỏ có cho tôi đi sinh hoạt ở nhà thiếu nhi, đến lớp 1 thì bắt đầu học những ngón đàn đầu tiên. Tôi tự mò mẫm, nghe những bài mình thích và tự đánh lại. Từ đó hình thành nên cảm giác về âm nhạc của chính tôi. Sau này khi lớn lên bố mẹ cũng không định hướng cho đi theo con đường này, tôi học chuyên Hóa năng khiếu rồi vào Đại học Kinh tế. Lúc vào Đại học mới quyết định đi theo âm nhạc, do không đi theo hướng cổ điển nên tôi cũng không vào mấy trường nhạc để học. Cuối cùng tôi chọn học chuyên ngành Marketing vì nghĩ nó sẽ liên quan đến âm nhạc. Sau đó tôi tự tìm kiếm cơ hội cho mình bằng cách làm thực tập sinh ở công ty của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Ở đó có môi trường tốt như phòng thu, thiết bị để tôi trau dồi, học hỏi nhiều hơn. Giai đoạn 3, 4 năm đầu học với anh Nguyễn Hải Phong thì nói thật bản thân tôi không có gì nổi trội hay đặc biệt. Chỉ đến khi gặp Kata Trần và Tùng Cedrus, chúng tôi cảm thấy hợp nhau sau đó cho ra đời ca khúc đầu tiên DTAP sáng tác có tên “Để Mị Nói Cho Mà Nghe”. Chắc mọi người cũng biết, bài hát này gửi cho nhiều nghệ sĩ nhưng mọi người đều không trả lời và từ chối. Tôi nghĩ đó cũng là một cái duyên mà vũ trụ sắp đặt cho DTAP cũng như chị Linh.

 

Kata Trần: Ngược lại với Thịnh, tôi xuất thân từ gia đình nghệ thuật. Ba tôi là giảng viên dạy hợp xướng và piano, mẹ là diễn viên múa nhưng “bụt nhà không thiêng” nên tôi không tiếp nhận được gì mấy. Hồi nhỏ tôi hay lấy trộm Ipod của chị gái để nghe nhạc của những ca sĩ nổi tiếng thời đó. Năm lớp 10, khi tình cờ nghe được những bài hát Indie, tôi mới cảm thấy “Ồ, tại sao những loại nhạc này lại ngộ nghĩnh, lại đời thế. Sao mình không thử làm nhạc giống như vậy?”. Thế là tôi bắt đầu chơi Indie, đến khi lên Đại học thì xin vào làm thực tập sinh tại công ty của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và gặp hai bạn này.

 

Tùng Cedrus: Tôi cũng nghe nhạc từ nhỏ nhưng đến năm lớp 7 thì được cho đi học một khóa piano cơ bản. Tìm hiểu thêm thì tôi bắt đầu thích những dòng nhạc như R&B, Dance, Hip Hop, Rap… Hồi đó xem được video của Touliver, anh ấy chuẩn bị rất nhiều thiết bị trong phòng rồi chơi bài “Tell Me Why”, tôi thấy cũng hay lắm. Nghĩ thể loại này trên thị trường ít quá, mà bản thân lại thích nên mình tự làm tự nghe cũng được. Ở quê mà, không có thiết bị, cũng không có ai hướng dẫn, học đàn nhưng không có cả đàn để chơi. Tôi bắt đầu tải phần mềm về tập phối khí mà phải xóa đến 3 lần vì không biết sử dụng thế nào. Đến năm lớp 8 thì biết sử dụng sơ sơ và cũng tập tành tự học cho đến bây giờ. Tôi cũng vào Đại học Kinh tế giống Thịnh Kainz và làm thực tập sinh ở công ty anh Nguyễn Hải Phong.

 

Nghe nói cả ba bạn đều học chuyên ngành Kinh tế phải không?

 

Đúng rồi. Có lẽ vì thế nên tư duy làm nhạc của chúng tôi đôi khi sẽ không giống với người khác. Bình thường mọi người có cảm xúc thế nào họ sẽ viết ra y chang như thế, còn DTAP làm nhạc giống như ra mắt sản phẩm mới của Marketing. Phải có hình thức bắt mắt ra sao, chất lượng thế nào và cách tiếp cận kiểu gì để trending, để viral. Nếu để ý kỹ thì mọi người sẽ thấy nhạc của DTAP có những thành phần đó và không đi theo kiểu cảm xúc sao thì viết ra vậy dù mọi người có thích hay không.

 

Tương tự như yếu tố cân bằng mà chúng tôi đã nói đến, phần tính toán là có nhưng phần cảm xúc cũng không thua kém. Một bài hát chỉn chu thì bắt đầu phải có yếu tố kỹ thuật và sự tính toán phải đặt ở mọi khía cạnh. Đơn giản giống là việc bạn nấu ăn rất ngon nhưng trình bày không đẹp và quán của bạn không ai biết đến vì nằm trong ngõ sâu vậy. Ít người biết đến thì lại phí ra, cho nên cảm xúc là món ăn thì nó phải cần thêm những yếu tố bên ngoài để trở nên thu hút.

 

phỏng vấn DTAP

 

Vậy sự tính toán này được thể hiện như thế nào trong album “LINK”?

 

Điều này vô tình hình thành khi chúng tôi bắt đầu làm “Hoàng” chứ không đơn thuần là “LINK”. Ví dụ như “không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này.” cũng có sự tính toán nhất định ở cả cách sắp xếp câu chữ hay những sample được sử dụng chứ không đơn giản là mình buồn mình nhớ người yêu. Tại sao điều đầu tiên mọi người cảm thấy khi nghe ca khúc đó lại là sự quen thuộc? Vì chúng tôi sử dụng motif rất nổi tiếng ở trên thế giới từ thế kỉ 17 và rất nhiều ca khúc sử dụng motif đó. Phần lời cũng là một ví dụ điển hình cho việc vừa tính toán, vừa cảm xúc. Lúc đó chúng tôi còn ở phòng thu cũ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh. Một hôm nhà kế bên sửa nhà, đập inh ỏi nên chúng tôi không thể tập trung làm gì được. Kata Trần mới nghĩ là nhà bên cạnh sắp đập, mọi người cũng sẽ bỏ đi. Vậy nếu những người trong nhà vì lý do gì đó mà không còn ở bên cạnh nhau nữa thì sao? Cảm giác của họ thế nào, cảm giác của 2 người xa nhau sẽ ra sao? Vậy nếu bây giờ Kata Trần viết một bài nhạc dành cho những lúc buồn hay nghe và bài hát đó buồn đến mức mà không thể diễn tả được cảm xúc thì sao? Vậy đấy, một xíu cảm xúc đến thoáng qua còn kỹ thuật sẽ giúp mình hoàn thiện hết. Vì cuối cùng Kata Trần đâu có viết về ngôi nhà bị đập, lúc đó sự tính toán đã đi vào tâm trí là mình cần concept dân gian để thể hiện điều này.

 

Khi biết phải làm một bài hợp tác với anh Thanh Bùi, chúng tôi rất áp lực. Làm sao để bài hát có thể mang màu quốc tế đặc trưng của anh Thanh Bùi và cả màu của chị Hoàng Thùy Linh. Chúng tôi bắt đầu kiểu “ok mình cần concept dân gian cho những người yêu xa” và yếu tố như Ngưu Lang Chức Nữ hay đếm số xuất hiện. Mình yêu xa bao nhiêu tiếng, mình xa nhau bao nhiêu năm. Người nữ sẽ đếm lên còn người nam đếm ngược về và tất cả gặp nhau ở số 0. Cảm giác mọi sự chờ đợi của người yêu xa đều không thành hiện thực, trở về số 0 nên không một bài hát nào có thể diễn tả được cảm xúc lúc này là vậy. Demo bài này chúng tôi làm cũng nhanh, khoảng hai tiếng là xong rồi. Sau đó DTAP gửi cho chị Hoàng Thùy Linh và nhắn chị gửi cho anh Thanh Bùi cũng như báo lại với anh ở phần lời bằng tiếng Anh của bài anh chỉ cần đếm ngược số xuống thì nó sẽ hay. Ở bản phối chúng tôi muốn mang đến cảm giác buồn nên sử dụng nhịp 3/4, vào điệp khúc là 6/8 thì sẽ có cảm giác buồn xoay vòng. Xoay vòng trên nỗi buồn là điệu Valse cô đơn và nó lặp đi lặp lại, mọi thứ đều có tính toán để mục đích chung là tạo ra cảm giác cho người nghe.

 

“không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này.” có điệu Valse xoay vòng, còn vai trò của các bạn xoay vòng như thế nào khi là một phần của DTAP?

 

Có một cái hay của DTAP là Tùng Cedrus mê Hip Hop, R&B. Kata Trần mê Indie, mơ màng, thích ôm guitar và luôn sống trong nỗi buồn. Thịnh Kainz trước khi vào DTAP thì thích Blue, Jazz, Pop Ballad. Khi các thành viên ngồi lại với nhau thì chúng tôi tạm gác các cá tính riêng lại và tạo ra một cái hoàn toàn mới, gọi là DTAP. Nếu tách riêng thì chắc chán chúng tôi sẽ không làm được điều đó vì thiếu này thiếu kia. DTAP sẽ không có kiểu “vì tôi như thế nên mọi người phải theo màu nhạc của tôi”. Nếu làm vậy thì nó sẽ ám luôn màu sắc của người đó lên tác phẩm chung, còn với DTAP là 3 cá nhân khác nhau thì gom chung lại sẽ tạo ra một màu khác nữa. Mọi người hay hỏi “làm việc chung có cãi nhau không?” nhưng đó cũng là một yếu tố bắt buộc phải có vì tranh luận mới ra vấn đề. Mỗi thành viên của DTAP sẽ có những trách nhiệm khác nhau. Thịnh Kainz là Music Producer, sản xuất tổng thể bài hát. Kata Trần là nhạc sĩ, chịu trách nhiệm liên quan đến nội dung, ca từ. Tùng Cedrus đảm nhiệm hết mọi việc liên quan đến phần kỹ thuật hòa âm phối khí. Sự phân chia đó vừa đủ vai trò, giúp chúng tôi không bị đá chéo sân lẫn nhau. Được phát huy điểm mạnh của mình và điểm yếu có người đỡ dùm (cười).

 

phỏng vấn DTAP

 

Có phải vì 3 người > 1 người nên có nhiều yếu tố sáng tạo hơn khi làm nhạc không? Và có phải vì thế mà “LINK” có sự tổng hòa của bắt trend, hiện đại và dân gian trong đó?

 

Nếu mọi người để ý thì sẽ thấy các ca khúc của DTAP không bắt trend. Do không bắt trend nên không bị cũ và không có phần trăm sai sót hay sai số. Vì sản phẩm khi bắt trend sẽ chết ngay nếu trend đó qua đi hoặc chuyện bắt trend chỉ nên là một khía cạnh điểm xuyết.

 

Trên thực tế, chuyện bắt trend không phải là “main point” của chúng tôi. Thêm nữa, không phải bắt trend mà là mình sống trong thời cuộc và cảm nhận mọi thứ xung quanh nên nó cũng tác động lên mình ít nhiều. Biết đâu mình sẽ nắm được một “key point” nào đó và tạo nó thành trend. Cũng may mắn một phần là nhờ những sản phẩm đó mà mọi người có trend chứ thật ra chúng tôi không chạy theo thị trường. Đấy không phải là câu chuyện khiến cho DTAP áp lực và thật sự bắt trend khó bền lắm.

 

Nếu thế, “main point” của DTAP là gì?

 

Là điểm cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường, giữa những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, trending nhưng vẫn là những điều rất quen thuộc với mọi người. DTAP không xác định mình sẽ đi theo hẳn một dòng nhạc nào đó quá nghệ thuật hay quá thị trường. Chúng tôi tham lam hơn, muốn sản phẩm của mình sẽ được giới chuyên môn công nhận, có một đời sống và trở nên viral. Tuy nhiên, khi mình sinh một “đứa con tinh thần” ra, mình nuôi lớn nó và nó sống được bao lâu thì còn là chuyện của khán giả. Nghệ sĩ không thể nào sống thiếu khán giả được.

 

phỏng vấn DTAP

 

Nhắc đến DTAP là sẽ nhắc đến nhạc điện tử nhưng có yếu tố truyền thống, liệu các bạn có sợ mình bị dán nhãn với cái tag đó?

 

DTAP đang làm những thứ mà chúng tôi đang nghĩ là làm được. Chúng tôi không tự giới hạn bản thân mình. Nét văn hóa truyền thống Việt Nam đã trải dài qua nhiều thế hệ nên không phải cứ sử dụng ca dao tục ngữ thì mới là văn hóa Việt Nam. “Uầy uầy uây uây” vẫn là văn hóa Việt Nam mà, ví dụ khi đi ra ngoài miền Bắc mình hay nghe người ta nói “Uây, em này xinh thế” chẳng hạn. Hay “Bo Xì Bo” là cụm từ của miền Nam thời mà mình hay sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp họ nói “pause pause” thì nghe thành bo xì bo, giống như một dạng nghỉ chơi. Tất cả đều đến từ đời sống chứ không nhất thiết phải gọi DTAP là người làm nhạc dân gian hay gì cả. DTAP là người Việt Nam và làm những thứ liên quan đến Việt Nam, không chỉ đơn thuần là dân gian thì mới là Việt Nam, nó còn có đời sống đương đại nữa.

 

Sau thành công của album “Hoàng”, DTAP được mọi người gắn cho những cái mác hơi đao to búa lớn. Thành thật mà nói, chúng tôi chỉ là những người trẻ thôi. Chuyện áp văn hóa cho ba người trẻ này thì nghe nó hơi nặng nề (cười). Bản thân DTAP không nghĩ là mình đang làm văn hóa hay điều gì quá lớn lao đâu. Đơn giản mình là người Việt nên âm nhạc của mình sở hữu yếu tố và tinh thần đó bằng những cách khác nhau.

 

Nói về phân khúc thị trường âm nhạc của riêng DTAP thì sao? Các bạn có suy nghĩ như thế nào?

 

Như mọi người thấy thì chúng tôi đang cố gắng xây dựng một thị trường có bản sắc, có tính local. Những sản phẩm của DTAP ít hay nhiều đều có bản sắc cho dù nó có mang nét dân gian hay không. Trong album “LINK”, dân gian chỉ là chất liệu để kể câu chuyện đời sống hiện đại và chúng tôi nghĩ mọi người sẽ có góc nhìn mới mẻ hơn về DTAP. “Hoàng” là ngăn kéo đầu tiên DTAP mở ra và “LINK” là ngăn kéo tiếp theo. Sau này sẽ có những ngăn kéo khác, chúng tôi không muốn trói chân mình ở bất kì dòng nhạc nào. Thị trường âm nhạc Việt Nam rất khó đoán và sẽ dễ khi mình muốn có một bài hát an toàn nhưng sẽ khó khi mình muốn khẳng định mình là ai. Theo quan điểm cá nhân, chúng tôi thấy thị trường Việt Nam đang xoay trục theo hướng chỉ cần nghe là biết ngay nghệ sĩ đó là ai. Họ phải có cá tính riêng, màu sắc âm nhạc riêng. Lớp nghệ sĩ trẻ hiện tại đang thành công có nghĩa là họ khẳng định được cá tính riêng của mình tới công chúng. Nó không giống như hồi xưa một nhạc sĩ viết ra một bài hát là có thể có tới 10 ca sĩ hát tác phẩm đó. Bây giờ câu chuyện khác nhiều rồi. Thứ giúp bạn tồn tại và có chỗ đứng chính là cá tính âm nhạc của bạn.

 

Chuyên môn là một phần quan trọng nhưng phải hiểu được thị trường muốn gì và mình phải làm gì để tìm được điểm cân bằng, yếu tố mà chúng tôi luôn luôn nhắc đến. Ví dụ một bài Kpop bằng tiếng Việt thì sẽ không bao giờ thắng tại thị trường Việt Nam. Hay cố gắng sao chép những nền văn hóa như âm nhạc US/UK… mà mọi người quên đi rằng âm nhạc US/UK người ta làm vậy là có nguyên nhân cũng như mục đích để phục vụ cho một chuyện nào đó. Làm vậy mình vừa thua tại thị trường bên đó mà vừa thua trong chính sản phẩm của mình. Tại sao? Vì bạn chỉ đang làm nhạc theo những thứ bạn học. Học Kpop xong về làm Kpop thì sẽ không ăn được. Học US/UK về làm theo màu US/UK thì tệp khách hàng là có nhưng sẽ nhỏ và không phủ được thị trường. Bởi vậy, điểm cân bằng là rất quan trọng và mình phải hiểu mình đang làm gì. Vấn đề thời cuộc hơn là mình phải sống trong đó, mình mới hiểu.

 

phỏng vấn DTAP

Trong góc nhìn của DTAP, các bạn thường dự đoán thị trường bằng cách nào?

 

Câu hỏi này sẽ lại liên quan đến việc học. Chúng tôi lắng nghe thị trường, lắng nghe mọi người đang nghe nhạc thế nào. Mỗi khi thực hiện một sản phẩm nào đó, chúng tôi sẽ vẽ ra không gian để ba thành viên có thể cùng chui vào và xác định khúc đó được phát ở đâu, được nghe ở đâu. Giống như “See Tình”, chúng tôi xác định đây sẽ là ca khúc teen một chút, cần đi theo xu hướng mà giới trẻ trên TikTok sẽ thích và làm theo màu như vậy luôn. Trước đây khi làm “Hoàng” thì nền tảng Tiktok chưa phát triển mạnh. Bây giờ đã có Tiktok và cách một bài hát trending trên TikTok cũng sẽ khác những năm trước rất nhiều nên chúng tôi phải cập nhật.

 

“Trưởng Nữ Chạy Trốn” lại là những điều thú vị nhất của DTAP trong album này. Những điều điên nhất, quái dị nhất, những điều mà mọi người không đoán được DTAP sẽ làm. Vậy đó, chúng tôi sẽ định hướng đặt mỗi ca khúc ở đâu trong dòng chảy nhạc Việt và khi nó bơi ra thì người nghe ở phân khúc đó có đón nhận hay không. Chúng tôi cũng không bất ngờ lắm khi “không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này.” được yêu thích đến vậy. Nó cũng là một sự tính toán vô tình trùng hợp với ý kiến số đông. Âm thanh của bài này chúng tôi xây dựng cảm giác dễ chịu nhất có thể, rót mật vào tai người nghe. Bài hát này nếu không góp mặt thì cũng sẽ làm cho album mất cân bằng vì không có khoảng nghỉ.

 

DTAP muốn làm hài lòng hết tất cả mọi người, hài lòng bản thân, hài lòng chị Linh, hài lòng khán giả. Với “LINK”, chúng tôi bản thân mình vui, chị Linh vui và DTAP bình thản trong công việc làm nhạc. DTAP muốn với bất kì cá nhân nào khi nghe “LINK” đều sẽ chọn được cho mình một bài hát đặc biệt, mặc dù sẽ có những lựa chọn khác nhau nhưng về tổng thể thì đều được mọi người yêu thích.

 

Thêm một câu hỏi cơ bản nữa mà chắc các bạn cũng đã nhận được nhiều khi “LINK” phát hành: So sánh sự thành công giữa “Hoàng” và LINK”.

 

Thành công của “Hoàng” quá rực rỡ nên vô tình những sản phẩm khác của DTAP sẽ bị so sánh với album “Hoàng”. Thế nhưng “LINK” lại là câu chuyện khác. Chúng tôi kết nối hơn, đoàn kết hơn và được làm việc với các anh chị lớn trong nghề như chị Thanh Lam, anh Tùng Dương, anh Thanh Bùi cho đến những nghệ sĩ trẻ hơn anh Mew Amazing hay Wren Evans… Chúng tôi nghĩ đó cũng là điều sẽ xóa đi định kiến mà mọi người hay nghĩ rằng DTAP chỉ làm với chị Hoàng Thùy Linh thì mới thành công.

 

Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với chị Linh, chị ấy nói muốn xây dựng một nền âm nhạc thịnh vượng và ở trạng thái tốt nhất thì mình phải kết hợp với nhau. Một album chỉ có DTAP và chị Hoàng Thùy Linh thì mạnh theo kiểu khác còn một album khi kết nối mọi người với nhau thì nó sẽ mạnh theo một kiểu khác nữa. Nó mang trong mình trạng thái mà ở đó tất cả mọi người không ai là đối thủ của nhau, không ai phải cạnh tranh với nhau mà tất cả cùng làm âm nhạc tốt nhất, thoải mái nhất và cuối cùng là thị trường của mình đi lên. Rõ ràng khi thị trường đi lên thì Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trong câu chuyện bản đồ âm nhạc thế giới.

 

phỏng vấn DTAP

Và con số 7.2/10 của Pitchfolk có phải là một dấu hiệu về chỗ đứng của âm nhạc Việt Nam tại thị trường quốc tế chưa?

 

Khi nhận được thông tin này chúng tôi vui lắm. Mọi người luôn đặt câu hỏi là “LINK” có vượt qua được “Hoàng” hay không? “Hoàng” đã làm tốt nhiệm vụ của mình tại thị trường trong nước thì “LINK” đang đi đúng với những điều mà chúng tôi trăn trở là làm sao để nó quốc tế hóa hơn. Làm sao để đem nhạc Việt ra thế giới và “See Tình” đã góp phần làm tốt điều đó. Mọi sự tính toán để có yếu tố quốc tế hơn, có những đoạn trending trên các nền tảng hay sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh… đều là sự tính toán của chị Hoàng Thùy Linh và DTAP.

 

Khi được Pitchfolk viết bài review thì mọi người bắt đầu chú ý về Hoàng Thùy Linh, về “LINK” nhiều hơn. Sự cộng hưởng đó khiến chúng tôi thấy có lẽ mình đã đi đúng hướng. Ai trong chúng tôi cũng mong muốn âm nhạc Việt Nam có chỗ đứng trên bản đồ thế giới. Có thể bây giờ nói ra thì nó là một điều gì quá lớn lao nhưng hiểu nôm na thì cảm giác đó giống như việc làm sao ba cậu sinh viên có thể làm được album “Hoàng” và bây giờ ba cậu sinh viên đó lại tiếp tục ấp ủ ước mơ lớn hơn.

 

Nghe thú vị nhỉ! Hiệu ứng của “LINK” không chỉ lan tỏa ở thời điểm hiện tại mà tôi nghĩ sẽ còn kéo dài ở các giải thưởng cuối năm nữa. Hiện tại, DTAP đang muốn thêm những gạch đầu dòng nào để bổ sung vào những cột mốc âm nhạc của chính các bạn?

 

Chúng tôi nhận ra lúc sáng tạo thì mọi thứ đều không liên quan đến việc phải PR thế nào hay giải thưởng ra sao. Cốt lõi của âm nhạc là thời điểm chúng tôi hạnh phúc nhất, chị Linh hạnh phúc nhất. Cũng giống như một nhà phát minh họ tìm ra điều gì mới thì họ sẽ vui hơn là lúc cầm trên tay giải thưởng Nobel hay bất kì giải thưởng nào khác. Đối với chúng tôi, hạnh phúc nằm ở hành trình tìm tòi. Chúng tôi làm sáng tạo mà, khi mình có những điều mới và thoát ra khỏi bản thân trước đây thì đó mới là niềm hạnh phúc lớn nhất với DTAP. Hiện tại, chị Linh cũng dặn chúng tôi là hãy cứ tận hưởng những khoảnh khắc này chứ đừng để nó qua rồi mới đi tận hưởng thì lại mất thêm thời gian vì dù sao chúng tôi cũng sẽ bước tiếp trên con đường này thôi. Thời gian, địa lý, không gian âm nhạc Việt Nam còn nhiều thứ để khai thác lắm, chúng tôi sẽ cố gắng bóc tách nó ra từng mảnh nhỏ để gửi đến khán giả.

 

Còn hiện tại, hào quang của DTAP nằm ở chính sản phẩm âm nhạc mà chúng tôi đã thực hiện. Tìm được niềm vui trong quá trình sáng tạo, được mọi người đón nhận và yêu mến là hào quang lớn nhất mà DTAP nhận được. Khi dự án xong xuôi, mọi thứ xong rồi thì sẽ được cất vào nơi đẹp đẽ nhất gọi là “viện bảo tàng của mỗi người”. Để khi nhìn ngắm lại, chúng tôi sẽ tự hào nói về nó và giới thiệu “Sản phẩm này là của DTAP”.

 

Cảm ơn DTAP về cuộc trò chuyện này.